Mời
quý độc giả cùng theo dõi bài viết chi tiết về vấn đề "Những điều cần lưu
ý về nội soi phế quản" qua chia sẻ của BS Lê Hữu Linh trên báo Người lao động.
Để tránh nôn khi soi, người bệnh phải nhịn ăn
uống ít nhất 4-6 giờ trước đó, nếu phải uống nước thì chỉ nên uống một cốc nhỏ.
Bệnh nhân cũng phải đem theo các kết quả xét nghiệm máu, đờm, phim X-quang,
CT... và phải có người thân đi cùng.
Thủ thuật nội soi phế
quản được dùng để chẩn đoán bệnh lý của đường dẫn khí vào phổi. Bác sĩ dùng ống
soi phế quản để quan sát bên trong phổi người bệnh. Đây là một ống mềm, làm
bằng sợi thủy tinh, có đường kính khoảng 3-6 mm, được đưa qua mũi hoặc miệng
vào khí quản và xuống các đường dẫn khí nhỏ hơn.
Có nhiều lý do để thầy
thuốc phải soi phế quản cho người bệnh, chẳng hạn như:
- Có các dấu hiệu bất
thường khi chụp X- quang hoặc CT phổi, nghi ngờ ung thư phổi.
- Ho ra máu, ho kéo dài
không đáp ứng với điều trị thông thường.
- Có hạch cổ hoặc hạch
thượng đòn.
- Hít hoặc sặc phải dị
vật như hạt hồng xiêm, viên bi, xương cá...
Trước khi hẹn nội soi
phế quản, bác sĩ sẽ khám cẩn thận nhằm kiểm tra xem người bệnh có chịu đựng
được cuộc nội soi hay không, chỉ định nội soi có hợp lý không... Thầy thuốc còn
phải xem lại tất cả các thuốc mà người bệnh đang sử dụng, vì một số thuốc có
thể làm tăng khả năng chảy máu như thuốc kháng đông, thuốc giảm đau (aspirin,
ipuprofen...). Bệnh nhân cũng phải làm một số xét nghiệm trước khi soi: chụp X-
quang phổi thẳng và nghiêng, chụp CT nếu có thể, xét nghiệm đờm, xét nghiệm
thời gian máu chảy - máu đông...
Trước khi tiến hành nội
soi phế quản, người bệnh sẽ được tiêm thuốc nhằm thư giãn và giảm ho, đo lại
mạch, huyết áp. Họ cũng được nối với một máy theo dõi tình trạng ôxy máu và
mạch, có thể sẽ được thở oxy trong suốt quá trình soi. Thầy thuốc sẽ đưa ống
soi qua mũi hoặc miệng bệnh nhân, xuống họng đến thanh môn và vào trong khí -
phế quản.
Khi ống soi đến thanh
môn, đôi khi người bệnh cảm thấy như bị nghẹt thở hoặc ho sặc sụa. Tuy nhiên,
cảm giác này sẽ qua đi rất nhanh. Thầy thuốc sẽ làm giảm hoặc mất cảm giác này
bằng cách bơm các thuốc gây tê qua ống soi vào trong đường dẫn khí. Người bệnh
nên cố gắng giữ nhịp thở thật chậm và thật sâu, có thể ho mạnh, điều quan trọng
là phải giữ bình tĩnh và hợp tác với thầy thuốc. Trong suốt quá trình soi,
người bệnh không nên hốt hoảng, không nói chuyện hoặc nuốt nước bọt, cứ để nước
bọt chảy tự nhiên ra miệng, người điều dưỡng sẽ lau miệng giúp.
Khi thầy thuốc tiến hành
lấy mẫu bệnh phẩm, bệnh nhân có một số cảm giác khó chịu nhất định như: muốn ho
sặc khi rửa phế quản, đau nhói khi chải hoặc sinh thiết phế quản... Tuy nhiên,
các cảm giác này sẽ qua nhanh.
Nội soi phế quản được
xem là một thủ thuật chẩn đoán rất an toàn. Tuy nhiên, nó cũng có thể gây ra
một số tai biến như: chảy máu tại nơi sinh thiết, tràn khí màng phổi (gây ngộp
thở), khàn tiếng sau soi, sốt sau soi... Tuyệt đại đa số các trường hợp tai
biến xảy ra nhẹ. Tỷ lệ tử vong do soi phế quản khoảng 1/10.000- 1/20.000.
Vì vậy, trước khi tiến
hành nội soi, bệnh nhân hoặc người nhà sẽ được yêu cầu viết giấy cam kết đồng ý
cho tiến hành nội soi theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Khi kết thúc nội soi,
người bệnh sẽ được theo dõi thêm một thời gian nữa. Nếu thấy còn đau ngực, khó
thở hoặc ho ra máu nhiều, nên nói cho thầy thuốc biết. Thông thường, người bệnh
sẽ ho khạc đờm vướng máu trong 2-3 ngày sau soi. Cảm giác cứng ở họng cũng
thường thấy, nhưng nó sẽ biến mất sau khoảng nửa giờ. Người bệnh chỉ nên ăn
uống bình thường trở lại sau khi soi 2 giờ.
Nếu có các vấn đề bất
thường hoặc thắc mắc sau khi soi, người bệnh nên liên hệ với thầy thuốc ngay để
được tham vấn.
Theo Người lao động